Tên tiếng Việt: Cà gai leo, Chẽ nam (Tày), Cà gai dây, Cà quýnh, Cà quạnh, Brong goon (Bana), Gai cườm
Tên khoa học: Solanum hainanense Hance.
Họ: Solanaceae (Cà)
Công dụng: Chữa tê thấp, đau nhức xương khớp, phù thũng, ho gà, rắn cắn, viêm gan, giải độc gan, mụn nhọt, lở ngứa (Rễ sắc uống).
Mô tả
- Cây nhỏ leo, sống nhiều năm, dài khoảng 1m hay hơn. Thân hóa gỗ ở gốc, nhẵn, phân cành nhiều; cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng.
- Lá mọc so le, hình bầu dục hay thuôn, gốc tròn hoặc hình nêm, đầu tù; phiến lá to có thùy nông không đều, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng; hai mặt đều có gai ở gân chính nhất là mặt trên; cuống lá cũng có gai.
- Hoa màu trắng hoặc hơi phớt tím mọc thành xim 2 – 5 hoa ở kẽ lá, ít khi 7 – 9; đài có lông, xẻ thành 4 thùy hình trái xoan nhọn; nhị màu vàng, chỉ nhị phình ở gốc.
- Quả mọng, hình cầu nhẵn, có cuống dài, màu vàng, khi chín màu đỏ, đường kính 5 – 7 mm; hạt hình thận màu vàng.
- Mùa hoa: tháng 4 -6; mùa quả: tháng 7 -9.
Cây dễ nhầm lẫn
Solanum thorelii Bonati., cùng họ Cà. Cây này rất giống cà gai leo, chỉ khác là cụm hoa đơn độc, hoa mẫu 5, dài có gai, tràng màu trắng.
Quả màu lục điểm trắng, khi chín vàng hay đỏ, đường kính 1.2 – 1.5 cm.
Phân bố sinh thái
Cà gai leo là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc tập trung nhiều cá thể, lẫn trong các lùm bụi thưa quanh làng, bãi hoang, kể cả các bụi tre gai. Cây mọc ở chỗ nhiều ánh sáng, sinh trưởng phát triển tốt, ra nhiều hoa quả. Cà gai leo có khả năng tái sinh từ hạt hoặc từ các phần thân và gốc còn lại sau khi chặt. Ngoài ra, từ các đoạn thân và cành trồng vào mùa xuân cũng có thể mọc thành cây mới.
Cà gai leo phân bố chủ yếu ở một vài nước nhiệt đới Châu Á như Campuchia, Thái Lan, đảo Hải Nam – Trung Quốc. Tại Việt Nam, vùng phân bố cà gai leo tương đối phong phú, trải dọc khắp các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Bình Thuận. Đặc biệt, tổng sản lượng của các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào có thể đạt vài chục tấn nguyên liệu mỗi năm.
Cách trồng
Cà gai leo có thể được nhân giống bằng hạt, giâm cành, hoặc bằng công nghệ sinh học. Hạt cà gai leo tuy dễ nảy mầm, nhưng hệ số nhân giống không cao do cây ít quả, quả nhỏ và ít hạt. Hơn nữa, cây nhân giống bằng hạt có chất lượng không đồng đều, gây khó khăn cho việc tiêu chuẩn hóa nguyên liệu. Nhân giống bằng giâm cành cho hệ số nhân thấp và lại phải sử dụng chính nguyên liệu để nhân giống. Cây nhân giống bằng công nghệ sinh học có hệ số nhân khá hơn, chất lượng dược liệu đồng đều nhưng giá thành hơi cao. Phương hướng chung là sử dụng phương pháp giâm cành và công nghệ sinh học để nhân nhanh giống, chọn lọc tạo ra một lượng giống nguyên chủng cần thiết, sau đó dùng phương pháp nhân giống bằng hạt để cung cấp cây con cho sản xuất.
Thời vụ gieo hạt tốt nhất là tháng 2-3. Hạt nảy mầm sau 7-10 ngày. Hạt có thể gieo trong vườn ươm, khi cây con cao 10 – 12 cm thì đánh đi trồng, hoặc gieo thẳng theo hốc, mỗi hốc 3 -4 hạt. Khi cây cao 7 – 10 cm thì tỉa bớt, mỗi hốc giữ lại 1 cây khỏe mạnh nhất. Nếu giâm cành thì vào tháng 2 – 3, chọn cành bánh tẻ chặt thành đoạn dài 12 – 15 cm, giâm vào bầu và tưới ẩm thường xuyên. Khi cây mọc chuyển trồng ra ruộng (chú ý hủy bầu). Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng phương pháp nhân giống bằng công nghệ sinh học trong các cơ sở nghiên cứu tạo giống ban đầu.
Đất trồng cà gai leo là nơi nhiều mùn, thoát nước. Sau khi cày bừa kỹ, để ải, cần bón lót 10 -15 tấn phân chuồng hoai mục, 100 – 150 kg phân lân, 50 – 70 kg kali cho mỗi hecta và lên luống cao 25 – 30 cm, rộng 70 – 80 cm. Cây trồng hoặc gieo thẳng đều định khoảng cách 50 x 50 cm.
Cà gai leo chịu hạn khá tốt, nhưng muốn có năng suất cao vẫn cần tưới đủ ẩm thường xuyên. Mỗi tháng làm cỏ, xới xáo một lần , kết hợp bón thúc bằng nước phân chuồng, nước giải hoặc đạm pha loãng (2%).
Bệnh hại đáng kể đối với cà gai leo là rệp bột (Pseudococcus sp.). Có thể trừ diệt bằng cách phun Bitox 40 EC theo hướng dẫn ghi trên nhãn. Tuy nhiên, cà gai leo được trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO sẽ không được phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác.
Bộ phận dùng
Rễ và cành lá cà gai leo, thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô. Có khi dùng tươi.
Thành phần hóa học
Theo Đỗ Tất Lợi, toàn cây và nhiều nhất là rễ CGL chứa alcaloid, tinh bột, saponosid, flavonoid.
Rễ và lá cà gai leo chứa cholesterol, β – sitosterol, lanosterol, dihydrolanosterol; alcaloid mới là solasodenon; hai aglycon là solasodin và neochlorogenin. Ngoài ra, rễ còn chứa 3β – hydroxyl – 5α – pregnan – 16 – on. Khi thủy phân dịch chiết rễ, phần đường thu được gồm D-glucose, D-galactose, L-rhamnose (Hoàng Thanh Hương).
Theo Dictionary of Natural Products on CD-ROM (1997) và Trung dược từ hải (1997), Cà gai leo có chứa solasodenon và 3β – hydroxyl – 5α – pregnan – 16 – on.
Tác dụng dược lý
Phản ứng viêm:
Trong mô hình gây phù thực nghiệm chân chuột bằng kaolin tạo nên giai đoạn cấp tính của phản ứng viêm tương ứng với những biến đổi về mạch máu gây thoát huyết tương ở khoảng ngoài tế bào, rễ và thân lá cà gai leo có tác dụng ức chế phù rõ rệt (rễ với liều 13.5/ kg và thân lá với liều 22.5 kg trở lên).
- Đối với giai đoạn bán cấp của phản ứng viêm tương ứng với sự tạo thành tổ chức hạt, trong mô hình gây u hạt thực nghiệm với amian, rễ và thân lá cà gai leo có tác dụng ức chế rõ rệt (rễ với liều từ 5g/kg và thân lá từ 10g/kg chuột trở lên).
Tác dụng miễn dịch:
- Tuyến ức có vai trò quan trọng trong sự hình thành hệ thống miễn dịch của cơ thể, rễ và thân lá cà gai leo có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột cống non rõ rệt (rễ với liều 7.5 g/kg và thân lá với liều 15g/kg chuột trở lên)
Tác dụng gây độc:
Chỉ số tán huyết của rễ cà gai leo xác định bằng phương pháp Brunel là 13. Cà gai leo tỏ ra không độc trong thí nghiệm về độc tính cấp và bán cấp.
Sơ bộ nghiên cứu định lượng sinh học hoạt lực chống viêm cho thấy1 g rễ cà gai leo khô tương ứng với 2.5 mg hydrocortisone, và 1 g thân lá cà gai leo chứa 1.3 mg hydrocortisone.
- Đã nghiên cứu tác dụng bảo vệ của rễ cây cà gai leo chống độc lực của nọc rắn Cobra trên chuột nhắt trắng và thấy cà gai leo có tác dụng bảo vệ chuột thí nghiệm chống độc lực của liều cao nọc rắn, làm tăng một cách có ý nghĩa tỷ lệ chuột sống sót so với chuột đối chứng không uống cà gai leo.
Tác dụng chống co thắt phế quản:
- Đã nghiên cứu thăm dò khả năng chống co thắt phế quản của cà gai leo bằng phương pháp khí dung histamin của Armitage và thấy cà gai leo có tác dụng kéo dài thời gian chịu đựng của chuột được uống thuốc và đặt trong buồng khí dung, làm thời gian triệu chứng khó thở xuất hiện chậm hơn so với chuột đối chứng không uống cà gai leo.
Tác dụng ngăn chặn xơ gan trên mô hình thực nghiệm:
Hình: Tiến triển bệnh xơ gan
Việc nghiên cứu thăm dò khả năng ngăn chặn tiến triển xơ gan của cà gai leo trên mô hình thực nghiệm của Maros cho thấy sau 3 tháng gây xơ gan trên chuột cống trắng, xơ gan hình thành rõ rệt, thể hiện trên các chỉ tiêu hóa sinh và tổ chức học của gan.
- Cà gai leo với liều cho uống ngày 6g/kg thể trọng chuột, tuy không ngăn chặn được hoàn toàn quá trình xơ hóa, nhưng có tác dụng làm chậm sự tiến triển của xơ.
- Hàm lượng collagen trong gan ở lô chuột dùng cà gai leo chỉ bằng 71% so với lô chuột chứng gây xơ không dùng thuốc.
- Về mặt tổ chức học, thí nghiệm cho thấy toàn bộ chuột chứng gây xơ đều bị xơ nặng hoặc vừa, còn ở lô dùng cà gai leo hầu hết chỉ xơ nhẹ hoặc không xơ.
Tính vị công năng
Cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, chứa lượng độc tố không đáng kể nên đảm bảo an toàn khi dùng, có tác dụng tiêu độc, phát tán, trừ ho, cẩm máu, giảm đau, trừ phong thấp, trị thoái hóa xương khớp.
Công dụng
Cà gai leo là cây thuốc nam có rất nhiều công dụng tốt với sức khỏe, chẳng hạn như:
– Giải độc gan: Dịch chiết cà gai leo có tác dụng bảo vệ gan khỏi chất độc bằng cách kích thích quá trình bài tiết và chuyển hóa các chất độc hại trong gan, từ đó ngăn chặn tổn thương nhu mô gan, giúp bảo tồn cấu trúc tế bào gan.
– Ức chế xơ gan, hỗ trợ điều trị viêm gan B: Hoạt chất glycoalcaloid trong cà gai leo có khả năng ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B, giảm nồng độ virus này trong máu đồng thời kích thích phục hồi tế bào gan. Không những vậy, hoạt chất glycoalcaloid còn có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, ngăn chặn hình thành các sợi collagen trong gan từ đó ức chế xơ gan hiệu quả.
– Trị rắn cắn: Các hoạt chất có trong rễ cà gai leo có tác dụng tiêu độc, giảm nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng do rắn cắn.
– Chữa hen suyễn, ho gà: Dịch chiết cà gai leo có khả năng làm ổn định tế bào mast, hạn chế sản xuất các chất trung gian gây co thắt đường thở, từ đó giảm các triệu chứng hen phế quản, ho gà
– Chữa phong thấp: Trong rễ và dây cà gai leo có chứa các thành phần như alkaloid, tinh bột, flavonoid nên có tác dụng rất tốt trong chữa phong thấp, đau nhức gân xương.
– Chữa cảm cúm: Hoạt chất flavonoid và alkaloid trong cà gai leo có khả năng chống viêm, kháng khuẩn tốt nên có thể sử dụng để chữa cảm cúm.
– Chữa dị ứng: Cà gai leo giúp ức chế sự phân hủy của tế bào mast, điều chỉnh sự giải phóng của các interleukin, từ đó giúp kiểm soát dị ứng cùng các tình trạng viêm nhiễm khác
– Phòng chống ung thư: Hoạt chất glycoalkaloid trong cà gai leo có tính chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, từ đó phòng chống nguy cơ ung thư.
Ngoài công dụng trên, cà gai leo còn được nhân dân ở một số nơi dùng chữa say rượu. Người ta cho rằng trong sau khi uống rượu, thỉnh thoảng xát răng bằng rễ cà gai leo thì tránh được say. Nếu đã bị say, uống nước sắc của rễ.
Bài thuốc dân gian có cà gai leo
Chữa viêm gan B, xơ gan, giải độc gan:
Dùng 35g rễ hoặc thân lá cà gai leo sắc với 1 lít nước, đến khi lượng nước còn 1/3 thì chia làm 3 phần uống trong ngày
Chữa rắn cắn:
Theo kinh nghiệm dân gian Lào, khi bị rắn cắn mà vết thương sưng tấy, nhức nhối, để cấp cứu kịp thời, có thê lấy 30 – 50 g rễ cà gai leo tươi, rửa sạch, giã nhỏ, hòa với khoảng 200 ml nước đun sôi để nguội, chắt nước cho người bị nạn uống tức thì. Ngày uống 2 lần. Người bị nạn sẽ cảm thấy dễ chịu ngay, bớt đau nhức, ngủ được. Sang ngày sau, tiếp tục cho uống nước sắc rễ cà gai leo phơi khô (10 – 30 g rễ khô, chặt nhỏ, sao vàng, nấu với 600 ml nước còn khoảng 200 ml). Mỗi ngày uống 2 lần. Dùng 3 – 5 ngày là khỏi hẳn.
Với bài thuốc trên, bệnh viện Hưng Nguyên ở Nghệ An đã chữa khỏi hoàn toàn 14 trường hợp bị rắn cắn, trong đó có một vài trường hợp bị nặng.
Chữa tê thấp:
Rễ cà gai leo, rễ thổ phục linh, rễ xích đồng nam, dây chiều, dây gắm, dây mặt quỷ, dây tơ xanh, vỏ thân ngũ gia bì (mỗi thứ 1kg), dây đau xương, cành hoặc lá vông nem (mỗi thứ ½ kg). Tất cả chặt nhỏ, nấu với nước nhiều lần để được 1 lít cao. Thêm 500g đường, cô còn 700 ml . Để nguội. Đổ rượu 30⁰ vào cao cho đủ thành 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 ml. (Kinh nghiệm của hợp tác xã Hợp Châu).
Chữa ho, ho gà:
Rễ cà gai leo (10g), lá chanh (30g). Sắc uống làm 2 lần trong ngày
Chữa phong thấp:
- Rễ cà gai leo, rễ xấu hổ, thổ phục linh, rễ cỏ xước, kê huyết đằng, rễ cỏ tranh, mỗi vị 16 g. Sắc uống.
- Rễ cà gai leo, vỏ chân chim, rễ cỏ xước, dây đau xương, kê huyết đằng, rễ tầm xuân, mỗi vị 20 g. Sắc uống.
- Chữa tê thấp, bàn chân tê buốt, sợ nước, sợ lạnh, khớp xương đau buốt:
- Rễ cà gai leo, rễ lá lốt, quýt rừng, rễ gấc, rễ xuyên tiêu, cốt khí củ, mỗi vị 20 – 30g. Sắc uống.
Chữa sưng mộng răng:
Hạt cà gai leo 4g tán nhỏ, cho vào nồi đồng với một ít sáp ong, đốt lá lấy khói xông vào chân răng (Bách gia trân tàng).
Hình: Hạt cà gai leo
Trị cảm cúm, dị ứng, hen suyễn, đau nhức xương khớp:
Dùng 16 – 20g rễ hoặc thân lá cà gai leo dưới dạng thuốc sắc, uống trong ngày.
Phòng ung thư:
Cà gai leo 30g, diệp hạ châu 10g, dừa cạn 10g, mỗi ngày sắc uống 1 thang, liên tục từ 10-30 ngày.
Giải rượu:
- Sắc 100g cà gai leo khô với 400ml nước đến khi cạn còn 150ml. Dùng uống trong ngày khi còn ấm
- Hãm 50g cà gai leo khô với nước sôi như trà, xong lấy cho người say rượu uống đến khi tỉnh.
Các chế phẩm của cà gai leo đã được ứng dụng điều trị trên lâm sàng
Solamin A (bào chế từ 3 dược liệu rễ cà gai leo, rễ khúc khắc và rễ ngưu tất) và Solamin B (bào chế từ 2 dược liệu thân lá cà gai leo và rễ ngưu tất) có tác dụng chống viêm và giảm đau rõ rệt trên lâm sàng. Kết quả tốt nhất và tương đối nhanh với đau lưng cấp do lạnh và sang chấn. Đối với viêm đa khớp dạng thấp, chưa có biến dạng về khớp và đối với các chứng đau nhức đơn thuần, tác dụng điều trị tương đối tốt. Khi đã có biến dạng về xương, cơ, khớp, kết quả kém. Thuốc không gây tác dụng phụ gì đáng kể, cần chú ý uống thuốc sau bữa ăn để tránh kích ứng niêm mạc dạ dày. Xét về mặt y lý đông y, Solamin có tính bình (không nóng, không lạnh) nên có thể thích hợp với các bệnh nhân thấp khớp ở thể nhiệt. Những bệnh nhân này khi uống thuốc bổ huyết khu phong bị nóng sinh ra táo bón, ngứa, mề đay, mất ngủ.
A.P.D. bào chế từ cà gai leo, ngưu tất và sâm đại hành, trong đó thành phần chính là cà gai leo. Thuốc đã chữa khỏi các đợt cấp tính của chứng viêm quanh răng, viêm lợi mủ, viêm chân răng và làm chậm lại thời kỳ tái phát của bệnh. Hiệu quả điều trị bằng A.D.P. không kém gì so với các phương pháp chữa tây y. A.P.D. có tác dụng tốt điều trị viêm cấp tính vùng niêm mạc miệng, phối hợp với phương pháp chữa tây y, thời gian điều trị rút ngắn nhiều. Thuốc dễ dùng, không độc, không gây kích ứng niêm mạc, không gây viêm lợi thứ phát.
Livganic bào chế từ cà gai leo và mật nhân, trong đó thành phần chính là cà gai leo. Livganic đã được nghiên cứu trên 33 bệnh nhân viêm gan B mạn tính thể hoạt động tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong vòng 6 tháng. Kết quả cho thấy các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, chán ăn, gan to, đau hạ sườn phải, vàng da đều giảm nhanh sau 1 tháng điều trị và hết hoàn toàn sau 2 tháng điều trị. Sau 6 tháng điều trị, hoạt động của 2 enzyme AST và ALT trở về bình thường, nồng độ HBV
Haina bào chế từ dạng chiết toàn phần của cà gai leo được chứng minh có tác dụng hạn chế sự phát triển xơ gan, chống viêm, chống oxy hóa và chống colagense. Haina được thử nghiệm lâm sàng chữa viêm gan mạn và viêm gan virus B có kết quả tốt.
Các nghiên cứu khoa học về tác dụng chống viêm gan và chống xơ gan của cà gai leo
Đề tài 1: Đề tài “Nghiên cứu Cây gai cà leo làm thuốc chống viêm và ức chế xơ gan” do TS. Nguyễn Thị Minh Khai làm chủ nhiệm. Kết quả đề tài đã chứng minh glycoalcaloid trong cao toàn phần Cà gai leo là hoạt chất chính có tác dụng ức chế sự phất triển của xơ gan, chống viêm, bảo vệ gan. Đề tài cũng đã nghiên cứu phát hiện những tác dụng dược lý mới của Cà gai leo như tác dụng trên hệ miễn dịch, trên tế bào ung thư.
Đề tài 2: Đề tài “Nghiên cứu điều trị hỗ trợ bệnh nhân viêm gan virus B mãn tính thể hoạt động bằng thuốc Haina (lâm sàng giai đoạn 3)” do TS. Nguyễn Thị Minh Khai làm chủ nhiệm. Thuốc Haina với thành phần là cà gai leo được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên 30 người tình nguyện là các bệnh nhân viêm gan B mạn thể hoạt động tại Viện Quân Y 103. Kết quả điều trị cho thấy Haina có tác dụng rất khả quan. Cụ thể, ở nhóm bệnh nhân được điều trị bằng Haina, các triệu chứng lâm sàng giảm nhanh hơn, đặc biệt có 23,3% bệnh nhân mất HbsAg và 44% bệnh nhân xuất hiện anti-Hbe.
Đề tài 3: Đề tài “ Đánh giá kết quả bước đầu của viên Giải Độc Gan Tuệ Linh trong hỗ trợ điều trị viêm gan virus B mạn tính” do TS. Nguyễn Ngọc Quang – Chủ nhiệm khoa truyền nhiễm Bệnh viện TW Quân đội 108 làm chủ nhiệm đề tài. Qua theo dõi đánh giá hiệu quả hỗ trợ điều trị của viên giải độc gan Tuệ Linh ở 33 bệnh nhân viêm gan B mạn tuổi từ 19 đến 66 điều trị tại Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện TW Quân đội 108 từ 05/2011 đến 05/2012, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:
Các triệu chứng lâm sàng giảm nhanh và hết sau điều trị 1 tháng. Tỷ lệ bình thường hóa các enzym AST, ALT sau 1 tháng điều trị lần lượt, tương ứng 24,2% và 63,6%; tỷ lệ bình thường hóa các enzym AST, ALT tăng theo thời gian (lần lượt tương ứng 60,6% và 72,7% sau 6 tháng điều trị) với trị số trung bình AST 48,2 ± 37,4 U/L và ALT 52,3 ± 49,6 U/L. Không có bất cứ một tác dụng ngoại ý nào trên cả lâm sàng cũng như xét nghiệm trong quá trình nghiên cứu.
Sau 6 tháng điều trị: nồng độ HBV-DNA về dưới ngưỡng phát hiện ở 3/33 (9,1%) trường hợp; 13/33 (39,4%) bệnh nhân có nồng độ HBV-DNA giảm ≥ 2log10-6log10. Tỷ lệ chuyển đảo huyết thanh với Hbe là 37,5% và 54,5% các trường hợp có anti-Hbe chuyển dương tính sau điều trị ở những bệnh nhân có anti-Hbe âm tính. HbsAg chuyển âm tính ở 2/33 (6,1%) trường hợp Theo báo cáo tổng hợp kết quả đề tài cho thấy các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, gan to, đau hạ sườn phải, vàng da ở bệnh nhân giảm nhanh và hết hoàn toàn sau 2 tháng điều trị. Men gan (AST và ALT) về bình thường sau 6 tháng lần lượt là 60,6% và 72,7%. Các xét nghiệm nồng độ vi rút ở trong máu bệnh nhân cho thấy: sau điều trị bằng viên Giải độc gan Tuệ Linh có 39,4% bệnh nhân có nồng độ vi rút giảm trên 100 lần, 18% bệnh nhân giảm tới ngưỡng không thể phát hiện được. Đặc biệt có 2 bệnh nhân âm tính HbsAg (chiếm 6,1%). Các bác sĩ cũng khẳng định chưa tìm thấy một tác dụng phụ nào của viên Giải độc gan Tuệ Linh, đây cũng là ưu điểm thường thấy ở các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược. “Kết quả đạt được của đề tài là rất khả quan và đặc biệt, bởi từ trước cho đến này chưa có dược liệu nào được chứng minh có thể làm âm tính virus viêm gan B và giảm nồng độ virus mạnh như vậy.”- Trích lời PGS.TS Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108.
Kiểm Nghiệm
Mô tả
Dược liệu là những đoạn thân lá dài từ 2 cm đến 5 cm, màu xanh nhạt hoặc nâu xám hoặc màu vàng nâu. Lá nguyên có hình trứng hoặc thuôn. Gốc lá hình rìu hoặc hơi tròn, mép nguyên hoặc hơi lượn và có khía thùy.
Phiến lá dài từ 2cm đến 4cm, rộng 1,2cm đến 2,0cm, cuống dài 0,3cm đến 0,8cm, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng; hai mặt đều có gai ở gân chính, nhất là trên mặt trên; cuống lá có gai.
Bột
Bột có màu xám, mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng. Quan sát dưới kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì phiến lá mang lông che chở và lỗ khí, có nhiều mảnh mạch xoắn, nhiều lông che chở hình sao, lông che chở đa bào một dãy, nhiều lông đơn bào và lông tiết; sợi thành dày đứng riêng lẻ, mảnh biểu bì thân, mảnh mô mềm có tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm ngoài hoặc trong tế bào.
Định tính
A, Lấy khoảng 3g bột dược liệu, thêm 2ml amoniac (TT), trộn cho thấm đều, để yên 30 phút. Thêm 20ml cloroform (TT), đun hồi lưu trên cách thủy 30 phút, để nguội, lọc. Cô dịch lọc trên cách thủy tinh đến cắn. Hòa cắn trong 5ml dung dịch acid sulfuric 1% (TT) bằng cách lắc siêu âm trong 5 phút, để nguội, lọc, chia dịch lọc vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:
Ống 1: Nhỏ một giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa trắng.
Ống 2: Nhỏ một thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa vàng cam.
Ống 3:Nhỏ một giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa màu nâu.
1. Phương pháp sắc kí lớp mỏng
Bản mỏng: Silica gel GF254
Dung môi triển khai: Cloroform – methanol – amoniac (50:9:1)
Dung dịch thử: Lấy khoảng 2,0 g bột dược liệu cho vào bình cầu dung tích 100ml. Thêm 30 ml dung dịch acid acetic 5% trong methanol (TT), đun hồi lưu cách thủy trong 1h. Lọc, chuyển dịch lọc vào bình gạn 50ml, thêm 15ml n-hexan (TT), lắc kĩ và để phân lớp, lấy phần dịch chiết methanol, cô trên cách thủy đến cắn. Dùng khoảng 5ml dung dịch amoniac 5% (TT) để hòa cắn và chuyển sang bình gạn. Thêm 10ml cloroform (TT), lắc kĩ, gạn lấy lớp cloroform và làm khan bằng natri sulfat khan (TT), cô trên cách thủy đến cắn. Hòa tan cắn bằng 1ml methanol (TT) được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 2.0g bột cà gai leo (mẫu chuẩn), chiết tương tự dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt trên bản mỏng 10µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch ceric sulfat 1% trong acid sulfuric 10% (TT) . Sấy bản mỏng ở nhiệt độ 120⁰C trong 15 phút. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại bước sóng 366 nm. Trên sắc kí đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc kí đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm: Không quá 12.0 %
Tro toàn phần: Không quá 10.0%
Tạp chất: Không quá 1%
Câu hỏi thường gặp về cà gai leo?
1. Cà gai leo có mấy loại? Loại nào tốt?
Cà gai leo có 2 loại là cà gai leo hoa trắng và cà gai leo hoa tím. Trong đó, cà gai leo hoa trắng có dây nhỏ hơn và dược tính cao nên được dùng làm thuốc, còn cà gai leo hoa tím có dây lớn hơn, ít dược tính hơn nên không được sử dụng làm thuốc mà thường trồng làm hàng rào.
2. Uống cà gai leo có tác dụng phụ không?
Cà gai leo nếu sử dụng ở dạng chiết xuất toàn phần hoặc dạng thô với liều lượng 20-30g/ngày thì sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Còn nếu sử dụng với liều lượng quá lớn trong một thời gian dài, bạn có thể bị ngộ độc.
3. Những ai không nên uống cà gai leo?
Tuy cà gai leo là một dược liệu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng thảo dược này. Những đối tượng thuộc nhóm khuyến cáo không nên sử dụng cà gai leo gồm: Phụ nữ mang thai; Trẻ em dưới 2 tuổi; Người mắc bệnh thận; Người đang áp dụng phác đồ điều trị đặc biệt; Người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường…
4. Bị đau dạ dày có uống được cà gai leo không?
Cà gai leo không gây ảnh hưởng lên dạ dày nên người bị đau dạ dày vẫn có thể uống cà gai leo bình thường và tốt nhất nên uống sau ăn khoảng 20 phút. Chú ý uống đúng liều lượng theo quy định và hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang điều trị các bệnh mãn tính.
5. Uống cà gai leo có hại thận?
Hiện vẫn chưa có nghi nhận hay nghiên cứu nào nào chứng minh tác hại của cà gai leo với thận nên các bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng loại thảo dược này. Tuy nhiên, với những người đang mắc bệnh lý về thận thì cần hỏi ý kiến bác sĩ về trường hợp của mình xem có được sử dụng cà gai leo không.