Cỏ Mực

Cỏ mực hay còn gọi cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo có tên khoa học là Eclipta alba Hassk thuộc họ cúc Asteraceae. Gọi là cây cỏ mực vì khi vò nát có nước chảy ra như mực đen.

  • Cỏ mực mọc thẳng đứng có thể cao tới 80cm, thân có lông cứng.
  • Lá mọc đối có lông 2 mặt, dài 2 – 8cm, rộng 5 – 15mm.
  • Cụm hoa hình đầu màu trắng ở kẽ lá hoặc đầu cành, lá bắc thon dài 5 – 6mm, cũng có lông.
  • Quả bế 3 cạnh, hoặc dẹt, có cánh, dài 3mm, rộng 1,5mm, đầu cụt, mọc hoang khắp nơi ở nước ta.

Cỏ mực rất dễ tìm trong vườn nhà đặc biệt vùng ngoại thành, nơi có đất ẩm và bóng mát. Tuy là loại cây không được xếp vào loại quý hiếm, nhưng Cỏ mực có nhiều dược tính tốt dùng phòng và trị được nhiều dạng bệnh.

1. MÔ TẢ

  • Tên khác: cỏ Nhọ Nồi, Hạn liên thảo; Tên nước ngoài: white eclipta, Dyer’sweed (Anh).
  • Tên khoa học: Eclipta alba (L.) Hassk.,Họ: Cúc (Asteraceae)
  • Theo Y học cổ truyền: Cỏ mực có vị ngọt, chua, mặn, tính mát vào kinh Thận, Can.
  • Thành phần hoá học: chứa các dẫn chất thiophen và nhiều dẫn xuất thienyl, terthienyl aldehyde ecliptal (Das Binayal, Chakravarty-CA. 116, 1992,1027094). Dẫn chất coumestan là wedelolacton, stigmasterol và sitosterol bên cạnh chất dimethyl wedelolacton có tác dụng bảo vệ gan. Ngoài ra còn có glucosid, triterpen glycoside,…Độc tính rất thấp, có giới hạn an toàn rộng [1].

2. GIÁ TRỊ Y HỌC

2.1. Hoạt chất chính và tác dụng dược lý:

Số tt Hoạt chất Tác dụng dược lý
1 Wedelolactone Giải độc gan, Kháng khuẩn, ức chế Trypsin, giải độc tố
2 Eclalbosaponins Đẹp tóc, Chống tăng sinh tế bào, kháng giardia,
3 Demethylwedelolactone Giải độc gan, cầm máu, kháng độc tố, nhuộm màu.
4 Dasyscyphin C Kháng virus, kháng ung thư
5 Eclalbatin Antioxidant
6 Ecliptalbine, verazine Hạ cholesterol, giảm đau

Độc tính: liều gấp 5 – 80 lần liều thường dùng vẫn không tìm thấy độc tính [2].

2.2. Các tác dụng dược lý đã được nghiên cứu của tác giả nước ngoài [Pubmed]:

  • Bảo vệ gan: qua nghiên cứu trên chuột bị gây độc bởi CCL4 và cho uống nước chiết xuất từ lá Cỏ mực đã giúp giảm tỉ lệ tử vong từ 77% xuống còn 22% [2]. Tác giả cho rằng nhờ vào chất wedelolactone [1] một flavonoid có trong Cỏ mực đã bảo vệ gan. Nên Cỏ mực hiện được dùng và có mặt trong một số chế phẩm sử dụng trị chứng vàng da, viêm gan (do rượu, virus).
  • Kháng khuẩn: một trong chỉ định lâu đời nhất của Cỏ mực là trị chứng nhiễm trùng. Nghiên cứu mới đây trên 9 chủng vi khuẩn khác nhau, đã nhận thấy Cỏ mực có tác dụng kháng cả chủng thông thường và nguy hiểm như staphylococcus aureus and E. coli [3].
  • Chống đau: sử dụng theo Ayurveda dùng lá tươi đắp trực tiếp lên răng đau hoặc vết loét ở lợi cho thấy tác dụng giảm đau rõ. Một vài test trên chuột, đánh giá tác dụng giảm đau tương tự codein và aspirin [4]. Một số nghiên cứu khác cho rằng kết quả giảm đau của Cỏ mực do thành phần alkaloid tan trong cồn [5].
  • Kích thích tiêu hoá: uống Cỏ mực có tác dụng kích thích tiêu hoá chống tình trạng táo bón và khó tiêu.
  • Loãng đờm, chống viêm đường hô hấp: chống tiết chất nhày và gây loãng đờm, điều trị chứng ho, sung huyết đường hô hấp do virus và vi khuẩn.
  • Cầm tiểu máu, giảm đạm niệu: Cỏ mực có tác dụng gây tăng tiết nước tiểu, điều hoà co bóp bàng quang. Hạn chế một số biểu hiện do viêm bàng quang gây ra [6].
  • Một số tác dụng dược lý khác: tốt cho tóc (tóc mọc nhanh vì Cỏ mực kích thích các nang tóc trên thực nghiệm [7]); tốt cho thị lực nhờ vào lượng β-carotene cao trong Cỏ mực (một Antioxidant mạnh) có tác dụng phòng ngừa các bệnh thoái hoá mắt như đục thuỷ tinh thể [8]; Tốt tim mạch: ổn định huyết áp, giảm cholesterol [8]; hạn chế sự phát triển một số tế bào ung thư trên thực nghiệm [9]; bảo vệ răng – lợi do tác dụng kháng khuẩn.

3. KINH NGHIỆM SỬ DỤNG LÂM SÀNG:

  • Tác dụng chống xuất huyết trong trường hợp xuất huyết có sốt như sốt xuất huyết Dengue. Cỏ mực là thành phần chủ lực trong các bài thuốc điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue bằng YHCT, đặc biệt trong bài Toa thuốc căn bản [Bs. Nguyễn Văn Hưởng sưu tầm].
  • Qua theo dõi một số trường hợp viêm cầu thận, hội chứng thận hư nhiễm mỡ: hồng cầu và đạm niệu từ giảm đến khỏi sau khi uống chế phẩm có Cỏ mực [Bs Trần Văn Năm].

4. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG:

  • Dù chưa ghi nhận độc tính trên thực nghiệm và lâm sàng, tuy nhiên cẩn thận khi sử dụng cho phụ có thai và cho con bú.
  • Một vài người bị viêm loét dạ dày chưa ổn định có thể bị phản ứng cồn cào, xót thượng vị khi uống liều cao và lúc đói.

5. CÁC BÀI THUỐC DÙNG CỎ MỰC:

Thổ huyết và chảy máu cam: dùng cỏ mực cả cành và lá tươi giã lấy nước để uống.

Tiêu ra máu: cỏ mực nướng trên miếng ngói sạch cho khô, tán bột. Mỗi lần dùng 2 chỉ (8g) với nước cơm (Gia tàng kinh nghiệm phương).

Tiểu ra máu: cỏ mực, mã đề 2 vị bằng nhau, giã lấy nước ngày uống 3 chén lúc đói (Y học chân truyền). Hoặc nấu cháo cỏ mực (100 g) với 3 lát gừng.

Trĩ ra máu: một nắm cỏ mực để nguyên rễ, giã nhuyễn, cho vào 1 chén rượu nóng, thành dịch đặc vừa uống trong, vừa đắp bã ngoài (Bảo thọ đường phương).

Chảy máu dạ dày – hành tá tràng: cỏ mực 50g, bạch cập 25g, đại táo 4 quả, cam thảo 15g sắc uống, ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Vết đứt chém nhỏ chảy máu: một nắm cỏ mực sạch nhai hoặc giã nhuyễn đắp lên vết thương.

Chữa râu tóc bạc sớm: cỏ mực với lượng tùy dùng, rửa sạch, nấu cô đặc thành cao rồi cho nước gừng, mật ong với lượng vừa phải, cô lại lần nữa. Cho vào lọ, khi dùng lấy 1 – 2 thìa canh hòa nước đun sôi còn ấm hoặc cho ít rượu gạo để uống. Ngày 2 lần, cao này có tác dụng bổ thận, ích tinh huyết.

  • Hoặc: cỏ mực 1 – 2kg, cho vào nước ép lấy dịch đặc trộn với bột nữ trinh tử đã được chế sẵn như sau: nữ trinh tử 300 – 1.000g ngâm rượu 1 ngày, bóc vỏ, rang khô tán bột. Viên hoàn bằng mật ong. Mỗi lần uống 10g. Ngày uống 3 lần với rượu gạo hâm nóng. Hoàn này bổ can thận, xanh đen râu tóc, khỏi đau lưng gối.

Chữa di mộng tinh (do tâm thận nóng): cỏ mực sấy khô, tán bột. Uống ngày 8g với nước cơm, hoặc sắc cỏ mực để uống ngày 30g.

Rong kinh: nếu nhẹ, lấy cỏ mực tươi giã vắt lấy nước cốt uống hoặc cỏ mực khô sắc nước uống. Nếu huyết ra nhiều, cần phối hợp thêm trắc bá diệp hoặc cây huyết dụ…

Trẻ tưa lưỡi: cỏ mực tươi 4g, lá hẹ tươi 2g giã nhuyễn, lấy nước cốt hòa mật ong chấm lên lưỡi cách 2 giờ 1 lần.

Trị chảy máu cam, nôn ra máu từ dạ dày: cỏ mực 30g, lá sen 15g, trắc bá diệp 10g, đun sôi với nước và chia ra uống làm 3 lần trong ngày.

Chữa phụ nữ chảy máu tử cung: cỏ mực 15g, lá trắc bá diệp 15g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 7 ngày.

Ngoài việc thanh can nhiệt, dưỡng thận âm, tác dụng cầm máu của cỏ mực đã được nghiên cứu tổng kết quả lâm sàng bệnh sốt xuất huyết và trong phòng thí nghiệm, mở ra cách giải thích cơ chế tác dụng cầm máu. Do vậy, cần bảo lưu vai trò của cỏ mực trong phương pháp chữa sốt xuất huyết, vì chảy máu là một trong 2 yếu tố gây tử vong lớn nhất trong bệnh này.

Leave Comments

0914.475.576
0914475576